Thương bà Xoan, mấy giúp việc cùng chung cư gọi bà ra ngoài, xuống sân chơi để cho thức ăn. Bà phải ăn xong mới dám quay trở lại nhà chủ.
Nhớ nhà không dám xin nghỉ
Chuẩn bị cơm chiều cho chủ nhà đâu ra đó, bà Nguyễn Ngọc Loan (55 tuổi, quê Hậu Giang) lại dẫn bé Kem (4 tuổi, con của chủ nhà) xuống sân chung cư chơi. Trong lúc bé Kem chơi cùng các bạn, bà Loan đến ngồi cạnh đồng nghiệp làm cùng chung cư.
Bà Loan có gần 10 năm làm nghề giúp việc. Trước đây, bà thường làm cho các nhà ở mặt phố. Hai năm qua, bà giúp việc cho vợ chồng trẻ đang sống ở căn hộ cao cấp thuộc một chung cư ở Quận 7, TP.HCM.
Công việc chính của bà Loan là chăm em bé và lo cơm nước cho chủ nhà. Mỗi chiều, bà cũng như nhiều phụ nữ làm nghề giúp việc ở khu chung cư lại tụ họp ở sân chơi chung để trò chuyện.
Câu chuyện được họ đề cập nhiều nhất trong những ngày qua là chuyện nữ giúp việc tự thiêu trong nhà của chủ ở TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Những lời bàn tán, nghi vấn được đặt ra. Riêng bà Loan có quan điểm rằng, khi đi giúp việc, nếu hợp tính chủ thì làm lâu, không hợp thì đi xin chỗ khác. Chẳng việc gì phải dồn mình và chủ nhà đến bước đường cùng.
Bà Loan nói, bà may mắn gặp được chủ nhà tốt tính, đối xử đàng hoàng nhưng nhiều đồng nghiệp không được như thế.
Chỉ về phía người phụ nữ đang lẽo đẽo theo sau bé trai, bà Loan kể: “Chị đó gần 60 tuổi, làm giúp việc được khoảng 5-6 năm.
Chị ấy thường than vãn chủ nhà khó tính, cảm thấy nghề giúp việc quá bạc bẽo, như làm dâu trăm họ”.
Mỗi ngày, người phụ nữ ấy đều phải thức dậy từ sáng sớm. Dù bụng đói meo nhưng bà vội vàng chuẩn bị bữa sáng cho chủ nhà và em bé. Đến lúc chủ đi làm, em bé no bụng, ngồi chơi, bà mới ăn vội bữa sáng.
Cả ngày vật lộn với vô số việc nhà, chăm sóc em bé, tối đến bà cũng chẳng được ngủ yên. Hễ em bé quấy khóc, vợ chồng chủ nhà lại nhiếc mắng, trách bà làm không tốt, gây ồn ào.
Công việc không dứt từ tháng này qua tháng nọ, thậm chí bà xin nghỉ vài ngày về thăm gia đình cũng bị chủ nói ra nói vào, bằng mặt không bằng lòng.
“Mỗi lần xin nghỉ phép, chủ nhà đều bảo sẽ đuổi việc hoặc trừ lương. Khổ lắm nhưng chị ấy không dám xin nghỉ. Họ trả lương hơn 13 triệu đồng/tháng thì vắt chày ra nước cũng không lạ”, bà Loan cảm thán.
Gặp chủ “trùm sò”, người giúp việc khóc ròng
Chị Huỳnh Mỹ (40 tuổi, quê Nghệ An) cũng đang giúp việc cho một gia đình ở cùng chung cư với bà Loan.
Nhà chủ không có trẻ con, chị Mỹ chỉ phục vụ một người già 75 tuổi. Tranh thủ lúc đưa chủ xuống sân chung cư dạo mát, chị tâm sự khá nhiều với các đồng nghiệp.
Chị Mỹ kể: “Chủ nhà yêu cầu tôi không được xem điện thoại trong giờ hành chính. Tuyệt đối không được cầm lấy điện thoại, chứ không chỉ cấm xem mạng xã hội, video… đâu.
Sau giờ hành chính, tôi mới được xem điện thoại, nhiều lúc bỏ lỡ cuộc gọi của người nhà. Buồn lắm nhưng phải cố gắng, mình không có trình độ, xin việc rất khó”.
Người thuê cũng không cho phép chị Mỹ nghỉ, trừ khi có việc ma chay hiếu hỷ. Đòi hỏi khắt khe nhưng chị chỉ nhận được 6,5 triệu đồng/tháng.
“Tôi không biết lý do tại sao chủ lại yêu cầu như thế, chắc họ muốn bóc lột sức lao động”, chị Mỹ ấm ức.
Tuy nhiên, trường hợp của chị Mỹ còn dễ thở hơn hoàn cảnh bà Trần Thị Xoan (58 tuổi, quê Quảng Ngãi). Bà mới làm việc được 4 tháng mà hội giúp việc của cả chung cư đều xót xa.
Bà Xoan thường bị chủ nhà mắng mỏ khi cố giải thích tại sao làm sai lời dặn.
“Chị giúp việc thì suốt đời cũng là giúp việc, đừng dạy đời người khác”, câu nói của chủ nhà khiến bà Xoan ám ảnh.
Chưa kể, chuyện ăn uống của bà Xoan cũng bị chủ “dòm ngó”. Họ cho gì ăn nấy, đong đếm từng chút. Chủ “trùm sò”, keo kiệt, bắt người giúp việc phải sống đúng ý.
“Ban ngày không nói, đến đêm đi ngủ, tôi mở cây quạt cũng không cho, kêu ra ngoài phòng khách nằm”, bà Xoan ứa nước mắt.
Thương bà Xoan, mấy đồng nghiệp khác gọi bà ra ngoài, xuống sân chung cư để cho thức ăn. Bà phải ăn xong mới dám quay trở lên nhà chủ.
Nỗi sợ lớn nhất của hội giúp việc tại chung cư này là chủ nhà thích chửi. Chủ thường lấy người giúp việc ra để trút giận.
“Chuyện ở đâu, họ đem về nhà, rồi trút lên đầu người giúp việc. Có lúc, tôi nhìn thôi mà họ cũng chướng mắt, chửi xối xả”, bà Xoan uất ức.
Những câu chuyện phiếm, vài lời động viên, phần nào giúp người làm nghề giúp việc giải tỏa ẩn ức. Họ thương nhau đến nỗi người được chủ đối xử tốt cũng không dám khoe, sợ đồng nghiệp tủi thân.